Với mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nâng cao chất lượng dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng đủ nguồn nhân lực có trình độ phục vụ quê hương đất nước. Năm 1965 nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An được thành lập. Trong bối cảnh đó, hai trường THPT thuộc hai tuyến đường ở vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An cũng được thành lập, đó là Trường THPT Quỳ Châu và Trường THPT Tương Dương 1.
Tương dương là huyện miền núi cao của tỉnh Nghệ An, với 18 đơn vị xã, thị trấn, trong đó 17 xã thuộc xã đặc biệt khó khăn. Trong đó có 4 xã, 9 bản giáp biên giới với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào với chiều dài đường biên giới 58 km. Tương Dương là huyện có diện tích tự nhiên lớn 281.129,73 ha (chiếm 17% diện tích toàn tỉnh Nghệ An), trong đó 3/4 diện tích là đồi núi cao, dân cư còn nhiều khó khăn về kinh tế, số hộ nghèo còn nhiều.
Ngày 2-8-1965, UBHC tỉnh Nghệ An có quyết định thành lập Trường Cấp 2,3 Tương Dương (lúc này là trường cấp 2,3 cho cả 3 huyện Con cuông, Tương Dương và huyện Kỳ Sơn). Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, từ khi thành lập đến nay, trường đã 3 lần thay đổi địa điểm và đã 7 lần đổi tên cho phù hợp với nhiệm vụ đất nước và của địa phương như: Trường Cấp 3 Tương Dương; Trường Vùng cao Tương Dương; Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tương Dương, và nay là Trường THPT Tương Dương1. Một nữa thế kỷ đã qua, Trường THPT Tương Dương 1, đã không ngừng xây dựng, phấn đấu và phát triển. Đến nay trường đã đào tạo được hơn 15 ngàn học sinh tốt nghiệp ra trường. Từ mái trường này, đã có hàng ngàn học sinh sẵn sàng lên đường ra trận, dũng cảm chiến đấu, hiến trọn tuổi xuân cho Tổ quốc; nhiều học sinh nhà trường đã anh dũng hy sinh, tên tuổi của các anh, các chị mãi mãi được Tổ Quốc khắc ghi và mãi là niềm tự hào của mái trường THPT Tương Dương 1. 50 năm xây dựng và trưởng thành, từ mái trường này, có rất nhiều học sinh đã thành đạt, hiện đang giữ các vị trí chủ chốt ở các ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện, đặc biệt nhiều học sinh của trường sau khi tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ, TCCN lại trở về phục vụ quê hương, trở thành cán bộ thôn, bản năng động sáng tạo, góp phần làm giàu đẹp quê hương Tương Dương. Trao đổi với chúng tôi, ông Lô Thanh Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, là cựu học sinh cũ của trường tự hào nói “Nhà trường đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh có trình độ, năng lực, phẩm chất tốt; đã có hàng ngàn cán bộ thuộc ba huyện Con Cuông, Kỳ Sơn, Tương Dương, người địa phương là con em các dân tộc ít người có trình độ đại học và trên đại học, nhiều người là cán bộ khoa học của các ngành ở Trung ương, ở các tỉnh thành; hay cán bộ lãnh đạo chủ chốt của địa phương đã trưởng thành từ mái trường THPT Tương Dương 1”.
Năm học đầu tiên 1965-1966, Trường THPT Tương Dương 1, chỉ có 4 lớp, 150 học sinh và có 9 cán bộ, giáo viên; Hiệu trưởng đầu tiên của trường là thầy Vi Văn Phúc. Do chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ, Lễ khai giảng năm học đầu tiên diễn ra dưới ánh đèn măng xông vào tối ngày 13/9/1965 tại Bản Xiêng Hương xã Xá Lượng, đến năm học thứ hai, Trường chuyển về tại huyện Con Cuông, tại huyện Tương Dương lúc này chỉ còn 1 lớp 8 cùng 4 giáo viên. Từ một vài phòng học tạm bợ sau những ngay đầu thành lập; đến này Trường THPT Tương Dương 1 đã có cơ sở vật chất khá khang trang. Với khu giảng đường 3 tầng, 21 phòng học, 2 nhà 2 tầng có 16 phòng họ; 3 phòng thí nghiêm, 3 phòng TBTN, 3 phòng học chung. Trường có khu ký túc xá học sinh 2 tầng với 20 phòng và các công trình phụ trợ khác. Năm học 2015-2016, Trường THPT Tương Dương 1 có quy mô 30 lớp học, 1010 học sinh, trong đó có 915 là học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số. Đi lên từ một nhà trường còn hạn chế về nhiều mặt, nhà trường đã có nhiều biện pháp cải tiến, vươn lên khẳng định vị trí trong tỉnh về chất lượng giáo dục, trở thành địa chỉ giáo dục tin cậy cho con em nhân dân huyện Tương Dương.
Trong những năm gần đây, Tương Dương đã có nhiều khởi sắc, điều kiện sống của nhân dân đã được nâng lên, nhưng Tương Dương vẫn là một huyện nghèo đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An. Vì vậy, việc duy trì và giữ vững sĩ số, chống học sinh bỏ học cũng là một nhiệm vụ luôn được nhà trường quan tâm chú trọng. Vì vậy, chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường ngày càng được nâng lên, tỷ lệ học sinh yếu kém giảm, tỷ lệ học sinh khá giỏi ngày càng tăng. Độ chênh lệch chất lượng giữa các vùng trong huyện đã được rút ngắn. Các tệ nạn xã hội được ngăn chăn, đẩy lùi có hiệu quả. Kết quả thi tốt nghiệp THPT và thi vào Đại học đều tăng so với năm học trước, Học sinh thi đậu tốt nghiệp hàng năm đạt từ 98% trở lên; Số học sinh thi đậu vào các trường ĐH, CĐ đạt 22%.